Tìm hiểu về loài hoa Địa Lan

Hoa Địa Lan là một trong những loài hoa được ưa chuộng trong dịp lễ, tết bên cạnh các loài hoa như hoa mai, hoa đào… Nói về lan thì chúng ta nghĩ ngay đến một loài hoa với muôn hình muôn vẻ khác nhau, mỗi loại có những đặc trưng riêng, và trong mỗi loại lại có hàng chục giống lai tạo lẫn tự nhiên khác nhau, Hoa địa lan được biết đến với nhiều loại như: lan vàng hoàng hậu, lan Trần Mộng, lan Đà Lạt, Địa Lan Tây Tưu, Tứ Liên… nhờ sự đa dạng về loài mà ý nghĩa hoa địa lan cũng trở nên đa dạng, phong phú và ấn tượng hơn rất nhiều. Người chơi lan giống như lạc vào mê cung của các loài hoa, bước ban đầu bạn để mặc sự đam mê, yêu thích dẫn lối khám phá mê cung, càng khám phá thì người chơi mới vỡ òa thích thú vì sự mê hoặc của nó. Bài viết giúp bạn cái nhìn tổng quan về các loài hoa Địa Lan theo góc độ khoa học.

1. Nguồn gốc
– Cây địa lan lai có tên khoa học: Cymbidium hybrid, thuộc họ: Phong lan. Cây địa lan có nguồn gốc từ miền tây nam Trung Quốc. Các loài địa lan làm cảnh hiện nay thường là loài địa lan lai.



– Cây Địa Lan là cây thân thảo lâu năm, cao khoảng 0,3 – 1,5m. Cây địa lan có thân giả to. Lá mọc thành lùm, hình dải và sừng. Cuống hoa mọc từ thân giả, mỗi cuống gồm 8 – 16 hoa, hoa địa lan gồm các màu như: đỏ, vàng, xanh, trắng và màu thứ sinh. Thường nở hoa vào tháng 2 – 3. Cây địa lan ưa thích khí hậu nóng ẩm, yêu cầu ánh nắng đầy đủ, tuy nhiên cần đặt cây vào nơi mát mẻ vào mùa hè.

2. Đặc điểm hình thái
– Lan Cymbidium là những loài thân thảo, đa niên, đẻ nhánh hàng năm tạo thành những bụi nhỏ.
Địa lan có loài rễ mọc bám trên vỏ cây, mặt đất (bì sinh hay phụ sinh); có loài rễ ăn sâu trong bọng cây, trong đất mùn (địa sinh hay thực sinh). Rễ mới thường chỉ mọc ở cây con, cây mẹ khó ra rễ mới mà chỉ thấy phân nhánh từ củ rễ. Thân ngầm của Địa lan (căn hành) thường ngắn, nối những củ lan với nhau. Các củ lan thực chất là những cành ngắn của căn hành. Củ già, khi bị tách khỏi căn hành cũ, có thể mọc ra đoạn căn hành mới, từ đó mọc lên những cây con. Do đó người ta xếp Cymbidium vào nhóm lan đa thân (sympodial). Củ lan (giả hành) thường có dạng con quay hay dạng hột xoài, đường kính từ 1 – 15 cm, củ thường tươi và được bọc trong các bẹ lá. Lá thường có hai dạng: dạng vảy đính theo một đoạn căn hành và dạng thực đính trên giả hành. Lá thực thường có cuống lá, giữa bẹ lá và cuống lá có một tầng phân cách. Khi phiến lá rụng, vẫn còn đoạn bẹ ôm lấy giả hành. Vài loài không có cuống lá. Tùy theo từng loài Địa lan mà phiến lá rất khác nhau, có gân dọc nổi rõ hay chìm trong thịt lá. Một số loài ít chịu rợp có phiến lá màu xanh vàng, còn lại thường là xanh đậm. Bản lá và độ dày của lá thay đổi tùy theo từng loài: các loài sống ở trảng trống có lá hẹp và dày hơn các loài ưa bóng rợp. Lá có dạng dải, dạng mũi mác, dạng phiến. Đầu lá nhọn hay chia thành 2 thùy. Kích thước của bản lá biến động từ 0,5 – 6 cm. Chiều dài lá thay đổi từ 10 – 150 cm.

– Chồi hoa thường xuất hiện bên dưới giả hành, trong các nách lá, tách các bẹ già, đâm ra bên ngoài. Thông thường, mỗi giả hành chỉ cho hoa một lần. Chồi hoa thường xuất hiện đồng thời với chồi thân, những chồi hoa no tròn hơn, còn chồi thân hơi dẹp. Các lá đầu tiên ở chồi thân mọc đâm ra 2 phía hình đuôi cá, còn ở chồi hoa các lá bao hoa luôn ôm chặt quanh phát hoa. Chồi hoa và chồi thân phát triển đồng thời không phân nhánh, dựng đứng hay buông thõng. Chiều dài của phát hoa từ 10 đến hơn 100 cm. Cành hoa mang từ vài đến vài chục búp hoa xếp luôn phiên theo đường xoắn ốc. Búp hoa khi đã đủ lớn, bắt đầu dang xa khỏi cọng hoa, xoay nửa vòng tròn để đưa cánh môi xuống dưới rồi bắt đầu nở. Thoạt nhìn, hoa Địa lan – Cymbidium có 5 cánh gần giống nhau, thực ra chỉ có 2 cánh hoa ở bên trong, còn lại là 3 lá đài ở bên ngoài, có cấu trúc và màu sắc giống cánh hoa. Cánh hoa thứ 3 chuyên hóa thành cánh môi, màu sắc rực rỡ hơn, xẻ thành 3 thùy tạo ra dạng nửa hình ống. 2 thùy bên ôm lấy trụ, thùy thứ 3 có dạng bầu hay nhọn tạo thành hình đáy thuyền, làm chỗ đậu cho côn trùng khi đến hút mật và thụ phấn cho hoa. Giữa cánh môi có 2 gờ dọc song song màu vàng. Tận cùng bên trong có dĩa mật và đôi khi có những tuyến tiết mùi hương.



3. Cấu trúc hoa Cymbidium
Hoa Cymbidium lưỡng tính, nhị đực và nhụy cái cùng gắn chung trên một trụ nhị – nhụy (hay trục hợp nhụy) hình bán trụ hơi cong về phía trước. Nhị ở trên cùng, mang 2 khối phấn màu vàng, có gót dính như keo. Khối phấn được đậy bởi một nắp màu trắng ngà dễ mở rời. Hộc chứa phấn khối của trục hợp nhụy cách với nuốm nhụy bởi một cái gờ (mỏ) nổi lên. Cấu trúc này bắt buộc trong tự nhiên hoa Cymbidium chỉ thụ phấn được nhờ côn trùng. Sau khi thụ phấn, hoa xoay dần về vị trí cũ, bầu noãn phình lên tạo thành quả. Quả lan là một nang có 3 góc, bên trong có chứa hàng trăm ngàn hạt. Khi chín, quả mở theo 3 đường góc và gieo vào không khí những hạt như bụi phấn màu vàng lụa. Khi rơi vào nơi có điều kiện ẩm độ, ánh sáng thích hợp và có nấm cộng sinh tham gia, hạt sẽ nẩy mầm phát triển thành cây mới…

Không có nhận xét nào:

Copyright © 2013 Kỹ thuật nuôi trồng Design by Tuyết Minh