Những vật liệu làm giá thể cho Lan phát triển

Trong môi trường hiện tại có rất nhiều chất liệu khác nhau để làm giá thể trồng lan như vỏ cây, đá, xơ dừa, rêu, v.v…Nhưng mỗi chất liệu có những đặc tính khác nhau cho nên cũng có những ưu và khuyết điểm. Chúng ta nên nhớ rằng mỗi loại lan cần một chất liệu trồng khác nhau và mỗi chất liệu lại cần một cách bón tưới thích hợp. Ví dụ loại phong lan không thể dùng những chất liệu trồng cho địa lan hay ngược lại; loại lan cần nhiều nước không thể dùng chất liệu mau khô được. Sau đây là những chất liệu trồng lan thông dụng:



Vỏ cây

Trong các loại vỏ cây: vú sữa, sao, me, trai, thông…thì vỏ thông là loại vỏ cây được ưa chuộng nhất, vì vỏ thông có chứa resin nên có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các loại nấm hại. Loại chất liệu này rẻ tiền, dễ mua, giữ nước và độ ẩm, khá thích hợp cho nhiều loại lan cho nên được nhiều người sử dụng làm giá thể. Điều bất tiện là loại này giữ chất muối có sẵn trong nước và trong phân bón, chỉ giữ được chừng 2/3 số Nitrogene trong phân bón và thông thường thì bị mục nát trong khoảng 2-3 năm.

vỏ cây trồng lan

Vỏ thông có 3 dạng:

- Loại lớn: dùng cho các cây lớn, cần tưới nhiều và thoát nước

- Loại vừa: dùng cho cây trung bình và rễ nhỏ

- Loại nhỏ: dùng cho các cây còn nhỏ hoặc những loại cần giữ nước lâu hơn

Lưu ý: Cây lan được trồng bằng vỏ cây thời gian đầu phát triển rất tốt. Sau 1 năm vỏ bị phân hủy thành mùn, gây úng nước, thối rễ và cũng là môi trường thích hợp cho sự xuất hiện một số loài sâu cắn phá rễ. Vì vậy với chất trồng bằng vỏ cây, cây lan phải được thay chậu thường xuyên.

Gỗ thông đỏ

Chất liệu này cũng không quá đắt, có khả năng giữ nước và độ ẩm, lại nhiều axit cho nên chỉ dùng dưới 50%, trừ được nấm men trắng. Điều bất tiện là loại chất liệu này trồng không chặt cho nên phải buộc cây vào chậu và khó tìm loại gỗ tốt.

gỗ thông trồng lan

Rễ cây dương xỉ

rễ dương xỉ trồng lan

Chất liệu này có đặc tính là mau khô, lâu bền, sử dụng trên 3 năm mới mục, nhẹ thích hợp với những rổ treo.

Vỏ dừa, xơ dừa

xơ dừa trồng lan

Vỏ dừa cắt nhỏ có hai loại vừa và nhỏ: Ưu điểm ngấm nước nhanh hơn và giữ độ ẩm lâu hơn. Nhưng phần đông các loại vỏ dừa đều có nhiều muối ở trong, nên cần phải ngâm nước vài ngày, xả cho sạch rồi mới trồng được. Theo kinh nghiệm các giống lan Laelia không ưa trồng bằng vỏ dừa.

Xơ dừa là chất trồng rất cần nếu sản xuất lan đại trà trên quy mô lớn. Xơ dừa có khuyến điểm dễ mọc rêu, không thoáng, dễ mục, nhưng do số lượng nhiều và rất rẻ nên xơ dừa được trồng thành băng trên vạt tre. Sắp các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre và giữ chặt chúng lại bằng 2 thanh nẹp tre. Nếu dùng xơ dừa trồng chậu phải hạn chế tưới nược. Để tránh úng nước, bạn có thể đục một lỗ nhỏ dưới miếng xơ dừa rồi mới trồng.

Nên chọn xơ của những quả già và khô rồi xé ra từng mảnh to bằng nửa bàn tay. Sau đó ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Sau 2-3 năm, khi xơ dừa đã mục có thể thay băng khác. Xơ dừa là môi trường rất tốt cho đa số các loài lan thuộc giống Dendrobium.

Rễ lục bình

rễ lục bình trồng lan

Cây lục bình sống lan tràn mạnh mẽ ở khắp ao hồ, sông rạch nên rất dễ kiếm, thuận lợi trong việc nuôi trồng hoa lan, rễ lục bình có khả năng hút ẩm cao, có nhiều đạm, giúp cây ra rễ và tăng trưởng rất nhanh trong thời gian đầu, nhưng dễ bị mục rã nên mắc các khuyết điểm như xơ dừa.

Rêu

Loại rêu bản xứ hoặc Canada màu nâu đen hoặc nâu xanh không nên dùng vì phẩm chất xấu và trong rêu có nhiều chất làm cho cây lan yếu đi. Chỉ nên dùng loại rêu nhập từ New Zealand hoặc Brazil màu vàng rơm để trồng lan vì trong rêu có tác dụng trừ nấm mốc. Khi trồng, không nên nén quá chất mới chứa được nhiều nước. Loại chất liệu này rất tốt để trồng lan trên cành cây và chậu gỗ nhưng quá đắt tiền, nhanh hư mục và giữ muối cho nên cứ vài tháng phải xả nước cho nhiều hay ngâm trong nước.

Than

Được dùng với mục đích giữ ẩm, than là một chất trồng tốt nhất vì không có mầm bệnh, không bị mục và có khả năng giữ nước, vì thế than sẽ hấp thụ dinh dưỡi qua quá trình bón phân và thải ra dần qua sức hút rất mạnh của rễ lan. Than được dùng ở đây là loại than gỗ rừng, tránh tuyệt đối dùng các loại than gỗ rừng sác (đước) vì hàm lượng Nacl trong than cao, dễ làm chết lan.

than trồng lan

Than có ưu điểm lâu bền từ 5-6 năm mới phải thay chậu và chỉ dùng một cỡ cho đủ thứ cây lớn nhỏ. Nhược điểm là giữ chất muối và phân bón cho nên cứ 2 tháng phải xả thật nhiều nước cho sạch

Đá núi lửa

đá núi lửa trồng lan

Đá núi lửa có ưu điểm dễ ngấm nước, không bị mục, thoáng hơi và không quá nặng, rất tốt để lót đáy chậu thay cho chất xốp. Nhược điểm cũng giống như than ở trên.

Đá xốp

Loại chất liệu này sử dụng lâu bền và không bị mục nhưng cũng có nhược điểm là giữ muối vì thế có nhiều loại lan không ưa loại đá này.

Đá bọt

đá bọt trồng lan

Đá bọt rất nhẹ và thấm nước, dùng để trộn với vỏ thông hoặc rễ cây để cho thoáng khí rất thích hợp cho các loại lan có rễ nhỏ.

Gạch

Gạch trồng lan tốt phải nung thật già, nhằm mục đích ngăn chặn rêu mọc. Gạch ngói tốt hơn gạch thẻ vì có độ cong nên chất trồng luôn luôn có độ thoáng thích hợp. Ngoài ra bề mặt rễ bám cũng rộng hơn nên rễ không phải mọc chồng chất lên nhau, cây sẽ phát triển tốt hơn nhưng nhược điểm của gạch là nặng nên không thích hợp cho việc trồng bằng dây treo.

Vỏ lạc

Dùng vòi nước phun nhiều lần để lược bỏ một số tạp chất, giảm nhiệt, chất dầu, sau đó cho vỏ lạc vào chậu bằng nhựa hay khay đất nung, kích cỡ tùy loại và độ tuổi. Nếu trồng trên luống thì cho vỏ lạc vào luống dày 20cm. Nếu trồng kinh doanh thì dùng giá thể là vỏ lạc thì giá thành rẻ hơn. Ngoài ra vỏ lạc hút nước ít, độ ẩm vừa phải, lan ít bị nấm hơn.

Dớn trắng

Dớn trắng là tên gọi Việt Nam của một loại chất trồng có nguồn gốc là một loài rêu, sống trên mặt các đầm lầy, có tên thương mại là Sphagnum moss. Dớn trắng thuộc họ Sphagnaceae, giống sphagnum, sinh sống chủ yếu ở các khu vực ẩm ướt, chủ yếu lá đầm lầy. Dớn trắng phân bố chủ yếu ở các vùng khí hậu khoảng 150 độ C và độ ẩm cao, pH đất thấp. Một số nước chuyên sản xuất dớn như New Zealand, Chile, Trung Quốc.

Dớn trắng rất có giá trị vì chúng có cấu trúc dạng sợi, rất dài, dù ở dạng khô hay tươi. Các sợi dớn dù khô hay tươi cũng rất bền, chắc, khó bị phân hủy nên khi sử dụng rất ít bị thay chất trồng như các chất trồng khác. Dớn có khả năng giữ nước rất lớn gấp 20 lần trọng lượng khô của chúng.

Không có nhận xét nào:

Copyright © 2013 Kỹ thuật nuôi trồng Design by Tuyết Minh