7 kỹ thuật chăm sóc Lan Hồ Điệp

Kỹ thuật trồng Lan - Hồ Điệp là loại lan có độ biến thiên cường độ ánh sáng khá rộng: 5.000-10.000lux/m2. Ánh sáng hữu hiệu cho loại này là 30%.Vì thế, giàn lan với độ che sáng 70% là thích hợp cho lan Hồ Điệp phát triển.



kỹ thuật trồng các giống lan hồ điệp

Đặc điểm thực vật học

Phân loại học thực vật

Họ phụ: Vandoideae

Tông: Vandeae

Bộ: Orchidaceae

Tên khoa học: Phalaenopsis Blume, 1825

Kỹ thuật trồng

1. Giá thể trồng

Cũng như lan Cattlaya, lan Hồ Điệp cũng có cách trồng trên thân cây và trồng trong chậu. Với cách trồng trên thân cây thì ta phải chọn những cây gỗ tốt, dáng đẹp để ghép cây lên đó. Với cách trồng bằng chậu thì giá thể trồng có thể là than củi, ghạch ngói, dớn … Ngày nay, với phương thức trồng lan công nghiệp, quy mô lớn và trồng trong nhà có mái che, có thể điều khiển được nhiệt độ và ẩm độ một cách chủ động, người ta còn sử dụng các loại rêu và tảo biển làm giá thể cho cây.

2. Ghép lan

- Ghép lên thân cây: Đây là cách trồng tự nhiên nhất của các loài phong lan. Cây được chọn phải thật khỏe, đầy đủ hệ thống lá và rễ, không bị sâu bệnh. Dùng dây mềm buộc cây lan con lên thân cây đã chọn, để nơi râm mát cho đến khi rễ mọc dài ra và bám vào thân cây thì để vào vị trí thích hợp.

- Trồng chậu: Với cách trồng này, yêu cầu kích thước chậu không cần lớn lắm. Cây lan chọn để cấy cũng phải có đầy đủ rễ và lá, khỏe mạnh. Giá thể trong chậu đôi khi chỉ là vài cục than củi hay gạch ngói cũng được. Kích thước giá thể lớn vừa phải, phải có các khe hở cho rễ lách vào. Nếu kích thước giá thể quá nhỏ, rễ Hồ Điệp sẽ bò trên bề mặt và lan ra khỏi mép chậu. Cây con được buộc chặt vào chậu, để nơi râm mát và chăm sóc cho đến khi các rễ mới bắt đầu bám lấy giá thể thì cho thêm giá thể vào chậu.

3. Bón phân

Lan Hồ Điệp là loài không có thời gian nghỉ nên chúng cần được bón phân quanh năm. Cứ hai tuần/lần ta sử dụng loại phân 30-10-10 với liều lượng 1 muỗng cafe pha cho 4 lít nước và tưới cho cây. Phương pháp tưới tốt nhất là phun sương lên toàn bộ cây. Các nhà trồng lan cần chú ý phải tưới ướt cây, để cây khô ráo rồi mới tưới dinh dưỡng cho cây thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng mới tốt, hiệu quả bón phân cao.

4. Tưới nước

Hồ Điệp là loài lan đơn thân, không có giả hành như lan Cattlaya nên không có khả năng dự trữ nước. Hơn nữa, do diện tích lá lớn, khả năng thoát hơi nước rất cao nên phải cung cấp nước thường xuyên cho cây. Mỗi ngày nên tưới từ 1-3 lần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết trong ngày và từng mùa trong năm. Mùa mưa tưới ít hơn mùa khô. Ngày nắng tưới nhiều hơn ngày mưa…. Nhưng bất kể là tưới bao nhiêu lần trong ngày và lượng nước tưới là bao nhiêu thì chúng ta cũng phải đảm bảo độ ẩm tối thiểu cho lan Hồ Điệp là 60%. Để hạn chế số lần tưới trong ngày, tiết kiệm lượng nước tưới, các nhà vườn có thể trồng xen những cây ưa bóng dưới giàn lan, tạo sự điều hòa về nhiệt độ cũng như ẩm độ trong vườn lan.

Các nhà trồng lan cần lưu ý một điều: Lan Hồ Điệp không thể chịu được độ ẩm lắng đọng vào ban đêm, nếu bị lắng đọng nước vào ban đêm sẽ dễ tạo điều kiện cho bệnh thối rữa phát triển. Vì vậy mà giá thể trồng lan Hồ Điệp phải thật thoáng và thoát nước. Với giá thể làm bằng tảo biển và rêu thì chỉ thích hợp với các nhà trồng lan có mái che, có thể điều khiển được nhiệt độ và ẩm độ một cách chủ động. Với các nhà trồng lan nghiệp dư, quy mô nhỏ hay những người chơi lan thông thường không có điều kiện trồng trong nhà có mái che thì cần lưu ý: khi mua cây con về trồng, giá thể thường làm bằng rêu và tảo biển, các nhà trồng lan cần dưỡng cây trong điều kiện khô thoáng, tránh mưa vào ban đêm cho đến khi cây ra rễ khỏe mạnh thì phải thay giá thể khác cho cây rồi mới đưa ra vườn và để vào chỗ hợp lý. Giá thể mới phải có độ thoáng và thoát nước cao. Chọn giống cũng không nên chọn cây nhỏ quá vì sẽ khó thích ứng với điều kiện môi trường mới.

Hồ Điệp là loài lan thích hợp với giá thể có PH thấp (PH=5,2) nên sử dụng nước tưới có PH thấp rất thích hợp cho Hồ Điệp phát triển. Tưới nước trà loãng hàng ngày cũng có tác dụng tăng sức đề kháng của cây và cây phát triển tốt hơn.

5. Sự thông gió

Ở lan Hồ Điệp, sự thông gió là cần thiết vì nó sẽ làm cho cây giảm sự đọng nước ở nách lá, nguyên nhân chính gây ra bệnh thối rữa ở Hồ Điệp. Sự thông gió càng lớn cây càng mau khô sau tưới. Tuy nhiên, sự thông gió quá mạnh cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Do đó các nhà trồng lan cần lưu ý thiết kế nhà trồng lan phải thật hợp lý, khoảng cách giữa các chậu lan cũng góp phần làm giảm tốc độ gió trong vườn.

6. Sâu bệnh

- Bệnh: Với lan Hồ Điệp, một loại bệnh dễ mắc phải và cũng gây nguy hiểm nhiều nhất là bệnh thối rữa. Một cây Hồ Điệp khi đã có triệu chứng bị bệnh này mà không được cứu chữa kịp thời thì có thể chết sau 3-5 ngày tùy thuộc vào độ thành thục của cây và điều kiện môi trường xung quanh. Cây bị bệnh mà gặp điều kiện thời tiết nóng ẩm sẽ chết nhanh hơn bị bệnh trong điều kiện khô mát. Đó là lý do tại sao bệnh này xuất hiện nhiều và gây hại nặng trong mùa mưa. Khi thấy lá Hồ Điệp xuất hiện những vết sẫm màu, trong và rộp lên như bị bỏng, soi dưới ánh sáng nhìn thấy rất rõ sự thay đổi của lá là chứng tỏ cây đã bị bệnh. Nếu vết bệnh còn nhỏ thì ta có thể cùng thuốc Zinep pha sền sệt như hồ rồi bôi lên hai mặt lá chỗ vết bệnh, để nơi khô thoáng. Nếu vết bệnh quá lớn thì ta phải cắt bỏ phần bị bệnh, hủy ở nơi xa vườn rồi bôi “hồ Zinep” vào chỗ vết cắt và cũng để ra chỗ khô thoáng. Tuyệt đối các nhà trồng lan không nên tưới khi vết bệnh chưa kịp khô, chỉ tưới cho cây khi thực sự không còn dấu hiệu của bệnh thối nữa. Khi cây lan khỏi bệnh, ta mang đặt vào chỗ cũ và cung cấp dinh dưỡng cho chúng mau hồi phục.

Một điều các nhà trồng lan cũng cần lưu ý là: Khi cây Hồ Điệp đã có trục phát hoa thì không nên rời cây ra khỏi vườn. Việc làm này sẽ gây “sốc” vì đây là giai đoạn mẫn cảm với điều kiện thời tiết của cây, các nụ hoa vì thế mà trở nên héo vàng và rụng. Nếu còn thì cũng chỉ một vài hoa và cây sẽ mất đi giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị thương mại.

- Sâu: Lan Hồ Điệp cũng bị một số loại sâu, sên và ốc sên gây hai. Tuy mức độ gây hại không nhanh và nghiêm trọng như bệnh thối rữa nhưng chúng làm giảm giá trị thương phẩm của cây lan. Vết thương cơ giới do chúng gây ra còn tạo điều kiện cho các loại bệnh phát triển, trong đó cũng có bệnh thối rữa Với các loại động vật hại này thì biện pháp phòng là chính. Nếu mật độ quá nhiều thì ta có thể dùng đến các loại thuốc sát trùng có bán trên thị trường. Riêng loài sên và ốc sên thì phải dùng bẫy bả để bắt chúng như đối với lan Cattlaya.

7. Tách chiết và thay chậu

Đối với lan Hồ Điệp, các nhà trồng lan cũng có thể tự tách chiết khi cây mẹ đã đủ lớn. Có một số phương pháp tách chiết như sau:

- Khi cây mẹ cao lớn vừa phải, tiến hành cắt phần ngọn, nhớ là phải có một ít rễ rồi đem trồng vào chậu khác. Vết cắt phải được khử trùng bằng các loại thuốc sát trùng. Phần gốc còn lại sau một thời gian sẽ mọc ra những cây con khác. Khi đó tiến hành chăm sóc bình thường.

- Chúng ta cũng có thể dùng kích thích tố ra ngọn như Xytokinin phun lên cây. Sau một thời gian cây sẽ nảy ra các chồi mới. Chăm sóc cho đến khi các chồi này thành thục thì lại tách ra thành một cây mới hoành chỉnh.

- Sau khi cây Hồ Điệp ra hoa, nếu chăm sóc tốt thì tại các phát hoa cũng mọc nên các chồi con và ra rễ sau một thời gian. Khi các chồi con này thành thục thì có thể tách ra thành một cây mới.

Không có nhận xét nào:

Copyright © 2013 Kỹ thuật nuôi trồng Design by Tuyết Minh